Lãng mạn xanh… Cúc Vàng

Thứ sáu - 13/09/2013 11:30

Tập thơ "Muộn phiền xanh"

Tập thơ "Muộn phiền xanh"
Vậy nên cuối cùng, cái đích của thơ vẫn không phải là “cũ” hay “mới” mà là “hay” hoặc “dở”, thế thôi. Còn “cũ” như thế nào đó mà để người đọc vẫn thấy “hay” thì đó lại là tài năng và bản lĩnh của nhà thơ. Theo tạng của tôi, Cúc Vàng có những bài thơ tôi thích như “Chuyện của tôi”, “Nhớ Ba”, và đặc biệt là “Mai xa rồi, Pleiku…” (Nguyễn Thụy Kha)

Đọc thơ Phạm Thị Cúc Vàng, tự nhiên như đang hít thở trong không khí lãng mạn của Thơ Mới cũ xưa. Cũ nhưng dễ chịu. Cũ nhưng trong trẻo. Đấy là một nguồn thơ chan chứa ánh sáng của rạo rực, của mê đắm, của cọ xát, của thét gào: “Ôi tia mắt quấn riết vào nhau / xua hết bể dâu / tồn tại là cuống quýt, là đôi tay… cháy sém thiên nhiên…”

Giọng thơ Cúc Vàng được xác lập từ những biểu tượng, xáo trộn trong suy tư, có lúc muốn lật ngửa ngôn từ để cài vào đó những mặc định mơ hồ giữa những cảm xúc và lý trí: “Ứơc gì ta xắt được đêm ra từng mảnh / biến chúng thành những chiếc bánh con con / không còn nữa khối đêm đặc quánh / ta ăn bằng hết ngần ấy bánh thơm ngon / này bánh nhớ mang màu của mặt trời / màu đỏ chói nung chảy phiến óc, vườn tim / ta bỏ vào hàm thời gian nghiền nát / nhớ, sẽ tan tiêu hủy hết nỗi niềm…”. Từ xác lập trên, sinh ra những đầu đề thơ đầy triết ngôn như “Hãy nhìn em bằng con mắt thấu rõ”, “Không có gì cao vọng”, “Chỉ là điều không tưởng”, “Vậy sao em cứ khóc”, “Hạnh phúc là gì?”, “Khuyết chủ từ”, “Yêu khi còn có thể”… Dần dà, Cúc Vàng đã bắt đầu thay thế những đầu đề trên bằng những đầu đề gần gũi với đời sống hơn như, “Chuyện của tôi”, “Nhớ Ba”, “Đêm Huế mình ơi!”, “Mai xa rồi, Pleiku”…, thậm chí rất thời thượng như “Phượt… nghèo”. Song, sau những đầu đề nói trên, thơ Cúc Vàng vẫn lay động ta sâu thẳm vì một nỗi buồn ẩm ướt đâu đó. Nhà thơ Hàn Quóc Ko Un - luôn là ứng cử viên hàng đầu giải Nobel văn chương từng định nghĩa: “Nỗi buồn là mẹ của thơ. Trên thực tế, đã mang thân phận người tức là đã mang nỗi buồn; kể cả tình yêu cũng là nỗi buồn và nhà thơ là bạn của nỗi buồn”. Cúc Vàng đúng là bạn của nỗi buồn, chị toan lo săn sóc nỗi buồn đến vồ vập, đến ra mặt như “Buồn rất lạ”, “Buồn tròn xoe”, “Buồn”, “Leo nấc thang buồn”…

Nếu nỗi buồn tạo nên giai điệu thơ Cúc Vàng trào dâng qua nhưng con chữ, thì bè trầm từ tục của bản nhạc thơ Cúc Vàng chỉ có hai từ là “Tình” và “Tim”. Có điều lạ là trong hầu hết các bài thơ ở hai tập thơ “Ẩn dụ tiếng đêm” và “Muộn phiền xanh”, dường như bài nào cũng có hai từ trên. “Tim” trong thơ Cúc Vàng không chỉ được dùng thường xuyên mà còn được trao cho rất nhiều trạng thái khác nhau như “Trái tim lênh đênh”, “dáng tim ngồn ngộn”, “mảnh tim nồng”, “Mảnh tim sót”, “con tim cứ lừng khừng dở hơi”, “tim si”, “tim thô”, “Trái tim luôn khát gió”, “Đục ruỗng cả buồng tim”, “trái tim còn nóng bỏng”, “trái tim cuồng nhiệt”, “tim ngã bệnh”, “tim mềm yếu”, ‘quả tim chờ tung hứng”, “tim héo hắt”, “tim đầy đặn”, “trái tim mong đợi”, “con tim cứ ra rả”, “sàn tim ơi”, “trái tim em cặm cụi”, “tim hết long đong”, “góc tim”, “tim hối hả”, “tim nhỏ”, “cánh tim”, “ tim đau”, “tim không còn còn con gái”, “khoang tim”, “tim múa’’, “tim trẻ”, “tim viết”, ‘tim ươm”, “trầy trụa tim em”, “nông con tim ra đón”, “giông tố con tim”, “trái tim hớn hở”, “tim băng giá”, “tim lao đao”, “tim nén chặt”, “vờn tim”, “cứa vào tim”, “trái tim khóa sét”, “chiếc lá tim”, “tim táy máy”, “con tim chẳng thể khoanh vùng nhớ”, “con tim đuối sức”, “khúc nhạc tim”, “trái tim vẫn nghe ngân dài một nỗi đau”, “trái tim nổi loạn”, “nhịp tim hung hăng”, “dàn tim”, ‘tim rối mù”, ‘tim liêu”, “ngăn tim”, ‘tim hoang phế”, “tim gầy”, “tim nhỏ”, “tim ngọt”, “tim khóc”, “tim khờ”, “tim mù”, “tim mát rượi”, “tim không trí trá”, “tim tự kỷ”, “tim loạn nhịp”, ‘tim cuồng”, “tim nhẹ dạ”, “tim ú tìm”, “tim bất lực”, “tim mùa trống bỏi”, “tim mở quán trọ”, “tim treo”, “tim rừng rực”, “tim cũng cuồng quay”, “tim đông”, “tim tù ngục”…

Hơn thế nữa, còn có những bài thơ luận về tim như: “Mảnh tim sót lại”,  ‘Mùa đông tim hóa sương mai”, “Trái tim xuân dịêu kỳ”, “Cạn trái tim gầy”, “Trái tim tội đồ”, “Tim mù”, “Nó, trái tim tôi”, “Liên khúc trái tim”, “Trái tim treo ngược”… Đùa chút nhé, tôi tin rằng Cúc Vàng là nhà thơ sử dụng chữ “tim” nhiều nhất trong các nhà thơ toàn cầu.

Vậy là tim của nữ nhà thơ này cực khỏe, khỏe như thơ Tố Hữu: “Ta biết em rất khỏe tim ơi! / Không khóc đấy nhưng sao mà nóng bỏng”. Tất cả đều chỉ để ta nhận diện ra một Cúc Vàng, một Cúc Vàng lãng mạn xanh.

Thực ra, “mới” cũng là một hướng tìm tòi của thơ, nhưng có người cứ thích”cũ” thì làm sao đây? Nói vậy chứ “bình cũ, rượu cũ” nhưng hạ thổ dài dài, đào lên uống là say muốn chết luôn.

Bây giờ, có lúc đọc mãi những đổi mới, những hậu hiện đại rỗng tuếch ngôn từ, thấy oải, tự nhiên đọc lại vài bài Đường thi, vài bài thơ thiền thời Lý - Trần lại thấy mới rợi đến lạ kỳ.

Vậy nên cuối cùng, cái đích của thơ vẫn không phải là “cũ” hay “mới” mà là “hay” hoặc “dở”, thế thôi. Còn “cũ” như thế nào đó mà để người đọc vẫn thấy “hay” thì đó lại là tài năng và bản lĩnh của nhà thơ. Theo tạng của tôi, Cúc Vàng có những bài thơ tôi thích như “Chuyện của tôi”, “Nhớ Ba”, và đặc biệt là “Mai xa rồi, Pleiku…”:

Khe khẽ thôi đừng chạm môi đêm
Động nỗi nhớ xanh Pleiku da diết
Mù bụi đỏ thoa má em hồng thiệt
Chia tay buồn lắm phố núi vừa thân
 
Cảm giác thơ thật thi sĩ, thật thăng hoa. Nỗi buồn ở đây là nỗi buồn thiệt chứ không phải “nỗi buồn buôn lậu”. Có gì đó đồng điệu với Lưu Quang Vũ: “Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất / Qua dịu dàng ẩm ướt cả làn môi”. Nếu không tràn trề cảm xúc thì làm sao chiến thắng được lý trí:
 
Chiều đăm đắm xui mắt lá ngả nghiêng
Dõi theo bóng ngày lao xao miền ngược
Tiếng cồng chiêng vọng đêm mềm mượt
xoắn xuýt vòng tay ấm điệu Xoang vui
 
Và thật độc đáo của riêng Cúc Vàng:
 
Lồng ngực đại ngàn nhịp tình hối hả
Mai xa rồi ai trượt dốc bình yên.
 
Bài thơ chỉ có một chữ “tình”, không có chữ “tim” nào cả mà đọc lên lại thấy con tim đập nhịp khác thường, con tim đã “trượt dốc bình yên” để rơi vào “thung lũng thơ” thăm thẳm.”Càng đi càng rộng rinh, càng đi càng ớn lạnh” như Hàn thi sĩ đã kêu lên.
 
                                                                                 

Tác giả: NGUYỄN THỤY KHA

Nguồn tin: vantuyensaigon.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

slogan1
slogan2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây