Phú Quang - Chút duyên với thơ

Thứ hai - 26/11/2007 20:40

Nhạc sĩ  Phú Quang

Nhạc sĩ Phú Quang
Có lẽ ít người yêu nhạc nào lại không từng mê mải, xao xuyến với Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về… của Phú Quang. Anh là người có duyên đem thơ vào nhạc, tạo thành một thứ ngôn ngữ nhạc thơ, thơ nhạc huyền ảo. Ngoài sáng tác ca khúc, Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm nhạc: giao hưởng, concerto…
* Để trở thành một nhạc sĩ thành danh như bây giờ, hẳn anh đến với con đường âm nhạc từ rất sớm?

- Năm 17 tuổi. Sau một lần đổ vỡ niềm tin. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đã hút hết một gói thuốc lá trong một đêm. Tác phẩm âm nhạc không lời đầu tiên của tôi ra đời có tựa đề Niềm tin, viết cho đàn violoncello và piano. Và cũng kể từ ngày đó tôi thành người sáng tác.

* Anh có nhiều tác phẩm phổ từ thơ. Việc phổ nhạc dựa trên tác phẩm của người khác có làm biến đổi “bản sắc” Phú Quang?

- Các nhạc sĩ đều rất thích việc tự mình viết lời cho ca khúc của mình. Tuy nhiên, theo tôi, ở Việt Nam chỉ có Trịnh Công Sơn là người tự viết lời cho ca khúc của mình thật sự thành công và ấn tượng.

F. Schubert là “Hoàng đế của ca khúc” như người đời ca tụng, nhưng tác phẩm của ông đều có lời là sáng tác của các nhà thơ.

Với tôi, ca khúc viết trên lời thơ thường giàu hình ảnh, giàu xúc cảm và dễ đi vào lòng người. Và việc chọn lựa các bài thơ để phổ nhạc cũng là cách thể hiện bản sắc.

* Có những bài thơ anh chỉ lấy một ý, hay một câu nhưng vẫn đề tên tác giả. Vậy trong các ca khúc phổ thơ, vai trò của tác giả thơ được anh đánh giá thế nào?

- Phải trân trọng tác quyền của nhà thơ. Bởi nếu không có một ý, một câu của bài thơ ấy, rất có thể một bài hát hay đã không ra đời.

* Trong sự cộng tác “song hành tác giả” đó, anh thấy mình có duyên với nhà thơ nào nhất?

- Với tất cả những nhà thơ có thơ tôi phổ nhạc thì tôi nghĩ rằng mình đều có duyên với họ, nếu không thì làm sao tôi có thể viết thành bài ca; mà bài ca thì lại là kết quả của cuộc “hôn phối” giữa thi ca và âm nhạc.

* nhà thơ Thanh Tùng nói với tôi rằng, mình có thể đi “giang hồ” đây đó và được nhiều phụ nữ yêu mến là nhờ hai nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng và Phú Quang đã phổ thơ mình thành công, đưa lời thơ đi vào công chúng…

- Rất vui nếu anh Thanh Tùng đã nói vậy. Ngược lại, tôi cũng cảm ơn vì sáng tác của anh Tùng đã góp sức cho thành công của Phú Quang.

* Hiện nay, có nhiều nhạc sĩ hay phàn nàn về chuyện “thời sự âm nhạc”, nhất là chuyện nhạc “sến”, nhạc “chợ” chạy theo thị hiếu rẻ tiền. Còn anh thì sao?

- Cần bình tĩnh bởi vì cuối cùng những gì giả trá sẽ mau chóng bị ném vào sọt rác, chỉ có những giá trị đích thực là tồn tại lâu bền. Sẽ không có chỗ đứng vững chắc cho các tác phẩm thiếu trí tuệ và thừa sự nhảm nhí…

Nguồn tin: tuoitre.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

slogan1
slogan2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây