Kỷ niệm của một chuyến đi về miền đất của những cây thốt nốt là những bánh đường ngọt dịu, là những bức hình chụp ở Núi Cấm, là những ly nước mát và những bữa ăn dưới gốc Me mát mẻ. Còn nhiều nữa nhưng không thể kể tên được, vì những điều đó trở thành cảm xúc, trở thành mạch ký ức và trở thành những bài hát mà chúng tôi đã cùng nhau có được trong cuộc viếng thăm đầu tiên đến Tịnh Biên.
Tịnh Biên - cái tên có vẻ lạ đối với nhiều người, cũng không phải nhiều người Việt Nam chúng ta biết hết những địa danh của các vùng miền trên lãnh thổ đất nước mình. Để biết và hình dung về một vùng đất, có nhiều phương tiện để thực hiện như: Du lịch, nhiếp ảnh, hội hoạ, những bài ký sự, phóng sự, truyền hình giới thiệu.... Tuy nhiên, phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất là chúng ta mô tả bằng âm thanh, âm thanh có giai điệu và những ca từ dẫn lối.
Khi ta nghe hai chữ Tịnh Biên thì ta có thể hình dung là từ nói về một nơi nào đó rất yên bình trong chữ " Tịnh", còn chữ " Biên" chỉ về một vùng biên giới. Thật vậy, Tịnh Biên là một huyện biên giới Việt - Campuchia thuộc tỉnh An Giang ( Tây Nam Bộ), có núi Cấm, có Thất Sơn, có suối Thanh Long, có làng dệt Thổ Cẩm ..., và có Tình người. Cái điều " có" cuối cùng cõ lẽ quý giá nhất và đó là điều trở nên hiếm hoi trong thời buổi hiện đại này.
Với tác phẩm " Tịnh Biên mảnh đất tình người", nhạc sĩ Xuân Quang đã vẽ lên một bức tranh Tịnh Biên bằng chất liệu chính là " Nỗi nhớ", là " cảm xúc nôn nao khi quay về", là " tình yêu " và là " ký ức của tuổi thơ". Những điều tinh tế nhất được rung lên trong không gian bằng âm thanh có giai điệu, bắt đầu bằng cách kể chuyện: "Lòng bâng khuâng về thăm chốn xưa, đã cho tôi một thời thơ ấu. Miền quê tôi miền quê rất xa, vẫn ngát xanh nơi miền biên giới...". Cứ như vậy, giai điệu nhẹ nhàng, như thì thầm bên tai vào những câu đầu tiên đã làm cho người nghe bị cuốn hút vào mạch cảm xúc đó để rồi chờ đợi ... Chờ đợi những hình ảnh tiếp theo lũ lượt kéo nhau về trong tâm trí và hoá thành một Tịnh Biên đầy ắp tình người ngay trước mắt.
Điệp khúc là sự bồi hồi xúc động khi người con xa xứ quay về được mô tả bằng hình ảnh " Vội vàng đôi chân bước, khi đi xa lòng vẫn quay về. Tìm lại vùng bình yên dẫu có lúc tâm hồn xa vắng....". " Tìm lại vùng bình yên" ở đây không ghải là những sáo ngữ hay không chỉ là những ca từ đẹp, mà đó chính là sự trải nghiệm thật sự khi chúng tôi bỏ lại phía sau sự ồn ào, bụi bặm của Phố để bước thong dong trên con đường lát đá xanh trên núi Cấm, cảm nhận gió nhẹ hôn trên má và tiếng chuông chùa rền vang trong buổi chiều se lạnh.
Với sự chắt lọc từ ngữ giàu hình ảnh mà súc tích, từ ngữ của cảm xúc, đơn giản mà thắt chặt, tác giả đã chắp cánh cho ca từ bằng sự bay bổng và nồng nàn của giai điệu. Để rồi cuối cùng mọi việc đều quy về tình yêu trong sáng và thành thật của một người con với đất mẹ Tịnh Biên bằng câu ca " Một vùng bình yên, một vầng sáng cháy bỏng tim tôi". Buổi chiều trên núi Cấm, khi mọi thứ bắt đầu trở nên đẹp nhất, lung linh nhất là lúc hoàng hôn dần tắt. Cái ánh sáng cuối cùng của một ngày hắt lên bầu trời chênh chếch khiến cho mọi thứ trở nên đẹp lạ thường. Ánh sáng đó chiếu vào những chiếc Phong Linh được treo ở chái tháp chuông, cộng thêm sự đung đưa theo những làn gió nhẹ khiến cho mọi thứ trở nên hoàn thiện theo cách tự nhiên của nó. Tất cả những hình ảnh và âm thanh đó đã ghi sâu vào tâm khảm của người nhạc sĩ để có thể cho ra đời những ca từ như vậy, và ca từ " vầng sáng cháy bỏng tim tôi" là nói về cái ánh sáng đẹp tuyệt diệu đó.
Vậy đó, kết thúc một bài hát bằng một câu hát về tình người, bằng sự kết thúc diễm lệ của một ngày với ánh hoàng hôn bừng sáng trên bầu trời núi Cấm, ghi dấu trong tâm hồn người nghệ sĩ để rồi "Tịnh Biên mảnh đất tình người" đã ra đời.
Ca sĩ Ngọc Quân
© Ghi rõ nguồn https://giaidieuhanhphuc.com khi đăng lại nội dung từ website này.