Cớ gì soi mặt nổi đau

Thứ hai - 10/03/2014 03:33

Cớ gì soi mặt nổi đau

Tui, người đàn ông có thể nói là thành đạt, dẫu vợ không còn đẹp, con cũng chưa ngoan nhưng vẫn dư dã thời gian ca phê mỗi sáng ‘tám’ chuyện thơ văn sau giờ thể dục với mấy ông bạn già.

 Phải giới thiệu vài dòng văn tự như vậy để các bạn thông cảm và hiểu rằng, tuổi già của tui chỉ còn lại 2 vật dụng thân thương nhất  là cái TV và máy vi tính (chứ đối diện hay trò chuyện với bà vợ “hiền” ở nhà thì... chết sướng hơn sống). Tòa soạn có thể đục bỏ câu trong ngoặc vì sắp tới ngày 8-3.
            
Tui chưa có cái “diễm phúc” đọc được nguyên bản bài thơ, nhưng có sao đâu, chỉ là mấy câu ngắn ngủi nhập đề của bài hát: “Tôi vác cần-câu nửa đời con nít-tiếng cười em khúc khích-xa phía trời xa”. Một bức tranh lồng lộng gió, mênh mông nước, lồ lộ hiện ra xô tuột tui về cái  xứ sở mà từ lâu lắm rồi, tui bỏ quên đâu đó trong bộn bề... cơm áo. Con đò, bến nước, vàm sông, nón lá mẹ che. Cha đi về sớm tối những tháng nước nổi nhọc nhằn và cứ thế tuổi thơ ùa về...Nên tui hiểu vì sao lời thơ chỉ câu “nửa đời con nít” chỉ cần phân nửa thôi cũng đã rát ruột.
Ai mà chẳng có tuổi thơ, cái tuổi mà theo tác giả “Ta lấy gì đổi được một ngày xưa”. Ngôn từ của thơ giản dị đến thế sao nghe đau đáu, không đánh đố mà lại  tê lòng. Không dám bình thơ, lại càng chẳng lạm bàn âm nhạc mà làm gì (thêm gây tiếng oán), bởi vốn liếng thi ca của tui chỉ vừa đầy lá me. Nhưng không nói ra thì...ai cũng biết, văn là người nên nhạc cũng là người, sự kết nối liền mạch trong văn chương đã là khó huống hồ gì khi đính vào đó những nốt nhạc, không khéo sẽ là “đeo đá” cho thơ.
       
Cái mịn màng, không gãy góc trong giai điệu, hay sự gọn gàng của khúc thức, mượn một chút cung bậc âm hưởng Nam bộ, nhạc sĩ Phan Khanh đã là giá vẽ mà lời thơ của nữ sĩ Lê Thanh My là những gam màu sáng tối tung tăng trên đó để tạo thành một bức tranh lung linh đầy ấp chuyện ngày xưa..

.

Nữ sĩ Lê Thanh My

Chuyện ngày xưa thì ai cũng có, kẻ không muốn nhắc tới, người thì lại quên nhớ chập chờn. Nhưng lạ thay, tác giả lại cắc cớ đối diện để rối tự mình “soi mặt nổi đau”. Ừ thì, cớ gì mà phải đi soi mặt nổi đau. Phải chăng trong cái nổi đau vô thường đó có quá nhiều hình ảnh tưởng chừng như đã là cũ kỷ không đáng, nhưng nó lại âm ỉ trong suốt quãng đời của một kiếp người. Một cơn gió nhẹ thôi, cũng đã đủ làm bùng lên cái âm ỉ đó, như tui đã bao lần bị vợ réo: “tắm rồi đi ăn, ông lúc này cũng bày đặt yêu nhạc quá ha!”, vì mãi míết nghe tiếng hát của NSƯT Hồ Thanh Danh trên trang mạng nhaccuatui.com bài hát “Cớ Gì Soi Mặt Nổi Đau”. Các bạn biết rồi đó, tắm thì ngày nào cũng tắm ít nhất là một lần, còn ăn thì có khi 3-4 lần trong 24 tiếng. Nhưng nghe được một ca khúc hay vừa ý, không phải lúc nào cũng có, tuổi già như tui mà cứ dán mắt vô cái TV với những chương trình ca nhạc mà các cô ca sĩ trẻ cứ hở này tuột kia thì nhà “cúp điện” ngay (đã thay 2 TV, vì sự hở tuột đó).

Như tui đã nói ban đầu, vợ tui không còn đẹp, nhưng cái ghen vẫn còn hoài, thậm chí “đậm đà” hơn xưa, mà làm sao ghen được với quá khứ của tui chứ, khi mà “tiếng cười em khúc khích-xa phía trời xa”.

Tui cũng xin nói thêm, là một người đàn ông chung thủy nên hình ảnh trên cũng chính là vợ tôi bây giờ. Tiếng cười khúc khích của cô thôn nữ mảnh mai ngày nào bên bờ sông Vàm Nao nay được thay thế bằng  chất giọng khàn đục có phần “the thé” của bà chủ hụi quá ký. Trời kêu ai nấy dạ, nên tôi vẫn yêu cái the thé đó, dẫu biết chỉ cần một ít thôi, một ít của cái tuổi thơ êm đềm đó để lòng thêm thanh thản.
ủa! Mà sao tui lại "CỚ GÌ SOI MẶT NỔI ĐAU"
 



Phan Lão Gia
 

Nguồn tin: Tạp Chí Thất Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

slogan1
slogan2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây