Thiên Cấm Sơn

Chủ nhật - 01/03/2015 05:08

Thiên Cấm Sơn

Nhân duyên từ một cuộc thi, một cuộc chơi, tôi lại gặp những người anh lớn và là những nhạc sĩ tâm huyết của của thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ cuộc sống vui vẻ bắt đầu với những điều vô tư nhất, hồn nhiên nhất. Gặp nhau để giao lưu và cùng đi Tịnh Biên trong trại sáng tác về nơi này. 
 
 
Tất cả chúng tôi như được sống lại những ngày vui vẻ của đoàn thanh niên với tinh thần giao lưu thuần tuý của hai đơn vị kết bạn. Tôi nhớ lúc đó mình trình bày tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Quang - Tình ca từ biển đảo. Với sự chân thành của tất cả những người tham gia từ nhạc sĩ cho đến ca sĩ khiến tôi thấy mình thoải mái và bắt đầu thân thiết nhau.
 
Chúng tôi đã có thời gian đẹp đẽ trong đêm giao lưu, trong buổi sáng đi chợ biên giới và thời gian tĩnh tại trên Núi Cấm. Ai là người Việt Nam thì cũng sẽ cảm thấy rung động với những đồng lúa rập rờn trong gió chiều, sẽ hít đầy buồng phổi khói đốt đồng thoảng xa và sẽ nhắm mắt tận hưởng không khí lành lạnh và tươi mới trên Thiên Cấm Sơn như tôi.
 
Đoàn chia làm hai để dùng xe trung chuyển lên đỉnh núi. Đối với tôi, việc này nó hơi giống với việc đi lên Bà Nà của Đà Nẵng hay Bạch Mã của Huế. Tuy nhiên, con đường lên Thiên Cấm Sơn hơi khác một chút. Trên đường đi, vẫn có vài nhà người dân ở lưng chừng núi và gần trên đỉnh núi. Khi lên đến đỉnh núi, hình ảnh đẹp đầu tiên mà tôi thấy đó chính là hồ Thuỷ Liêm. 
 
Thật đúng với những ca từ mà nhạc sĩ Phạm Tùng đã dùng trong bài hát vào những câu đầu tiên: " Bồng bềnh mây trôi lang thang Thiên Cấm Sơn, mênh mang sương giăng, mênh mang hồ Thuỷ Liêm". Lữ khách sẽ cảm thấy ưu phiền gác lại và mọi lo âu sẽ tan biến khi ta cứ từ từ tản bộ vòng quanh hồ để rồi chiếm bái tượng phật lớn nhất Đông Nam Á, đó là tượng ngài Di Lặc và chùa Vạn Linh. Câu tiếp theo của bài hát đã gợi cho người nghe về hình ảnh sống động này: " Rung trong không gian, âm vang chuông chùa Vạn Linh, lạc chốn bồng lai, phiền muộn hoá hư không".
 
Một không gian âm nhạc khoáng đạt và thanh tao được tác giả thể hiện trọn vẹn ở hai đoạn đơn của tác phẩm theo cấu trúc A,B,B' . Đoạn A là đoạn gợi hình như cánh cửa của khu vườn bí ẩn dần dần mở ra, chầm chậm nhưng không trì trệ, yên tĩnh nhưng không vắng lặng. Mọi thứ cứ từ từ dẫn dắt người nghe vào một nơi mà còn hơn thực tại, đó là không gian đẹp của tâm hồn nhạc sĩ, không gian mà tác giả đã vẽ thêm bằng cảm xúc riêng mình.
 
Cảm xúc được biểu hiện rõ nét qua những từ đầu tiên của đoạn B bằng điệp ngữ " Ơi Thiên Cấm Sơn, ơi Thiên Cấm Sơn!" khi tác giả bắt đầu dừng chân dưới những tàn cây lao xao dưới chân chùa. Có lẽ điệp khúc của bài hát cần phải được nhắc lại bởi Đoạn B' để thể hiện đủ những ý nghĩ và tình cảm mà tác giả đã cảm nhận trên đỉnh núi này. 
 
Nếu đoạn B, tác giả gửi gắm tình cảm của mình vào phong cảnh thoát tục của Núi Cấm với những ca từ hết sức thanh thoát " ngẩn ngơ lữ khách lạc chốn phiêu bồng", thì đoạn B' nhạc sĩ muốn cho người nghe thấy được sự hùng vỹ uy nghiêm của núi Cấm, sự bao la của đất trời và sự yêu nước nồng nàn của mỗi cá nhân chúng ta. Thêm vào đó, tác giả muốn chúng ta thấu hiểu rằng người Việt Nam yêu đất nước mình không chỉ vì rừng vàng biển bạc, mà là vì tình yêu tự nhiên, có sự kế thừa từ ông cha. Vẻ đẹp của thiên nhiên được cảm thụ là vẻ đẹp mà ta cảm thụ bằng trái tim mình, bằng niềm tự hào "ngàn năm đất thiên".
 
Thực ra, bài hát có thể kết thúc tại đoạn B', nhưng tác giả muốn gửi gắm đến tất cả những người đang nghe bài hát này một tâm niệm rằng: mọi điều tồn tại và hình thành trên mảnh đất hình chữ S này là tinh hoa của cả dân tộc, của hồn thiêng sông núi và của tình yêu của người Việt. Núi Cấm cũng được kết tinh như thế và "Thiên Cấm Sơn" cũng là bài hát mà nhạc sĩ Phạm Tùng đã chắt lọc và sáng tác bằng cả tâm huyết và tình yêu của mình. Cho nên nhạc sĩ viết thêm đoạn phụ hay gọi là Coda để đẩy tinh thần dân tộc của bài hát lên đến đỉnh điểm của cảm xúc " Hồn thiêng sông núi, kết tinh Thiên Cấm Sơn".
 
Ca sĩ Ngọc Quân


© Ghi rõ nguồn https://giaidieuhanhphuc.com khi đăng lại nội dung từ website này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

slogan1
slogan2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây