Giai điệu bolero này cất lên, người nghe tuổi trung niên ở miền Nam như trôi về những ngày xưa chốn quê nghèo lam lũ cùng nhạc sĩ Mặc Thế Nhân.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, (tên khai sinh Phan Công Thiệt), sinh năm 1939 tại Thạnh Lộc, Hốc Môn, Sài Gòn trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Tuổi học trò, gia đình ông chuyển về miệt Đa Kao.
Ông bước vào con đường âm nhạc từ rất sớm, từ năm 13 tuổi ông đã tham gia ban văn nghệ học đường.Năm 17 tuổi, ông theo học nhạc ở trường Ca Vũ Nhạc phổ thông Sài Gòn, với các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân, Nguyễn Cầu, Nguyễn Quý Lãm, Vũ Văn Tuynh. Và tiếp tục học đàn guitar, mandolin với nhạc sĩ Xuân Bình, học piano và hòa âm với nhạc sĩ Anh Dung (1970 - 1973).
Nhạc phẩm đầu tay (năm 17 tuổi) của ông là bản “Trăng quê hương” được xuất bản vào năm 1958 và sau đó là bản “Vui tàn ánh lửa” vào năm 1959.
Năm 1958, khi ca khúc “Xích lại gần anh tí nữa” viết riêng cho giọng ca Nhật Thiên Lan thì giới ca nhạc phòng trà, vũ trường bắt đầu chú ý tới dòng nhạc của ông và ca khúc này được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 1964 (sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ) ca khúc này mới được phép xuất bản.
Lúc bấy giờ ông còn là một ký giả kịch trường, cộng tác với nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Bình Dân với bút hiệu Mộng Thu, Giang Ái Sĩ. Ông cũng là một “khẩu cầm thủ”tên tuổi lúc bấy giờ.
Không chỉ đến với nghệ thuật qua việc sáng tác ca khúc, ông cũng sáng tác nhiều bài thơ và đã xuất bản tập thơ tuyển chọn với 100 bài. Dường như chưa đủ, ông còn lấn sân qua lĩnh vực biểu diễn khi tham gia làm MC; rồi làm diễn viên kịch của ban kịch Vũ Đức Duy và Châu Kỳ đi trình diễn khắp tỉnh thành sau năm 1975.
Ông lý giải về bút danh Mạc Thế Nhân của mình: “Xin góp nhặt một vài giọt mực với người đời dù đó là sự trầm lặng trong sáng tác. Chữ Mạc Thế Nhân được giải nghĩa như thế, chứ không phải là sự gán ghép tiêu cực, cho rằng tôi 'mặc kệ người đời'… Ai cũng có một dĩ vãng để ấp ủ, nâng niu. Tôi chọn đề tài tình yêu và quê hương vì trong tôi chất chứa nhiều tình cảm đẹp. Tôi chẳng bao giờ hư cấu, nên trái tim tôi yêu gì thì viết nấy”.
Có lẽ vậy nên số phận luôn muốn đùa cợt với người lãng tử tài hoa. Năm 1968, người yêu đầu đời bị tử nạn, ông viết bài “Ru em tròn giấc ngủ” và “Ru em vào mộng”. Cả 2 bài này rất được ăn khách. Tiếp theo đó là chùm nhạc “Tương tư” ra đời gồm: Tương tư 2; Tương tư 3, Tương tư 4 và Chiều mưa anh đưa em về viết cho tiếng hát Trúc Mai (1970).
Cũng trong thời gian này (1970-1973) ông bước vào cuộc tình thứ hai với một nữ sinh ở Nha Trang… nhưng rồi một hôm ông nhận được thiệp hồng báo tin nàng đi lấy chồng. Trong tâm trạng thất vọng, chán chường, ông đã viết nên loạt ca khúc: Em về với người; Cho vừa lòng em; Một lần dang dở; Ôm hận tình anh…
Nói thêm, Cho vừa lòng em nổi tiếng, lần xuất bản đầu tiên có tên là “Cho em vừa lòng”, nhưng không được nhiều chú ý. Mặc Thế Nhân đã nhờ nhạc sĩ Nhật Ngân sửa lời lại và ký tên là Phan Trần (tức Phan Công Thiệt và Trần Nhật Ngân).
Những giai điệu lãng mạn, trữ tình tiếp tục tuôn trào dường như bất tận với các ca khúc: Trả tôi về;Tháng mấy trời mưa; Mùa xuân cưới em; Tương tư 5; Tương tư 6… lần lượt ra đời (1973 - 1975)
Cho đến nay, ông đã viết được hơn 200 ca khúc với nhiều thể loại, đã được ghi âm, phát hành 3 băng cassette, 5 đĩa nhựa, và xuất bản 1 tập thơ gồm 100 bài, mang tên “Cùng một kiếp người” (nhà thơ Kiên Giang, Hà Huy Hà đề tựa).
Đêm 15-10 của… 7 năm về trước tại Nhà hát TP.HCM, Mặc Thế Nhân đã có một đêm nhạc cùng hai người bạn Hàn Châu, Hà Phương. Đêm nhạc này mãi cho đến nay vẫn còn trong ký ức những người mến mộ điệu bolero của dòng nhạc ngọt lịm tình đời, tình người.
Nguyễn Phan ANVN36 (10/2014)